Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Library Song

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Đại hội IFLA lần thứ 76 (2010)

Diễn ra từ ngày 10 đến 15/8/2010 tại thành phố Gothenburg, Thụy Điển, Đại hội Thông tin – Thư viện Thế giới (gọi tắt là IFLA 2010) quy tụ khoảng hơn 3,5 ngàn người làm việc trong lĩnh vực thông tin thư viện đến từ khắp nơi trên toàn thế giới. Đại hội được tổ chức thông qua sự phối hợp giữa Liên hiệp Quốc tế các tổ chức và cơ quan thông tin thư viện (IFLA) và Hiệp hội Thư viện Thụy Điển.

Với khoảng trên 350 báo cáo khoa học bao phủ toàn bộ các chuyên đề thuộc lĩnh vực thông tin thư viện, đây là một diễn đàn khoa học mang tầm vóc và quy mô lớn nhất trong năm của những người làm nghề thông tin thư viện.

Chủ đề của Đại hội lần này được thống nhất lựa chọn là Libraries driving access to knowledge (Tạm dịch là Thư viện dẫn đường đến với tri thức) với điểm nhấn về vai trò và phương thức của thư viện trong việc đem đến tri thức cho con người. Cụ thể, chủ đề của năm 2010 sẽ trọng tâm vào các vấn đề sau:

  • Tự do truy cập (Free access) tới các nguồn tri thức
  • Thư viện cho mọi người (Accessible for all), bao gồm cả những người khiếm thị và những người gặp khó khăn trong việc đọc
  • Cởi mở và toàn diện (Open and inclusive), bất kể bạn là ai và từ đâu tới
  • Lĩnh vực công (Public domain), thư viện là một địa điểm trên mạng hoặc một không gian vật lý nào nó, nơi mọi người có thể đóng góp hoặc chia sẻ các nội dung mà họ tạo ra hoặc sở hữu như một dịch vụ cộng đồng.
  • Rộng mở với các ý tưởng (Open for ideas) với việc đổi mới hướng đến người dùng, khi mà người dùng có thể đồng thời là người tạo ra thông tin
  • Xuất bản theo hướng mở (Open access publishing) hỗ trợ cho việt tạo dựng nền tảng tri thức chuyên sâu và sự cân bằng tốt hơn giữa luật bản quyền và tự do thông tin

Vì sao điều này lại quan trọng như vậy? Truy cập tới nguồn tri thức sẽ mở ra thế giới của trí tưởng tượng và sự sáng tạo, do đó biến sự phát triển của mỗi cá nhân thành sự phát triển của cả xã hội

Chính thức khai mạc vào ngày 11/8/2010 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Gothenburg ngay dưới tòa tháp đôi Gothier, Đại hội lần này đã đem đến một không khí học thuật và nghề nghiệp hết sức sôi động.

Chu tich IFLA

Bà Ellen R. Tise, chủ tịch IFLA đọc diễn văn khai mạc

Song song với các hoạt động học thuật là các hoạt động mang tính chất tạo điểm kết nối cho cộng đồng. IFLA Nightspot là một trong những hoạt động như thế, nơi mà tất cả ngững người tham gia có thể ngồi cùng nhau trao đổi, tâm sự và chia sẻ những ý tưởng và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

doan Vietnam

Đoàn Việt Nam tại IFLA 2010

Đoàn Việt Nam tham dự lần này gồm có đại diện của Thư viện Quốc gia Việt Nam và Cục thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia. ThS Nghiêm Xuân Huy, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội được mời trình bày bài viết tại tiểu ban Năng lực thông tin và dịch vụ thông tin. Với tiêu đề Triển khai các chương trình phát triển năng lực thông tin trong bối cảnh xã hội mạng và góc độ giao thoa văn hóa, báo cáo khoa học này bước đầu gợi mở một cách tiếp cận mới trong việc phát triển năng lực thông tin trong sự thay đổi mạnh mẽ của bối cảnh thông tin mà mỗi cá nhân đang chịu sự tác động.

nghiem huy

Tác giả Nghiêm Xuân Huy trình bày tại Hội thảo

Nhờ sự hiếu khách và chu đáo của nước chủ nhà, với đại diện là Hiệp hội thư viện Thụy Điển, và công tác tổ chức được chuẩn bị công phu, chu đáo, có thể nói Đại hội đã thành công rực rỡ với các mục tiêu đề ra của mình.

http://vietnamlib.net/hoat-dong-tttv-the-gioi/dai-hoi-ifla-lan-thu-76-2010


Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Thư viện - điều kiện để phát triển trường phổ thông chuyên

Theo đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân ký duyệt thì Nhà nước sẽ đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng để thực hiện đề án này.

Trong đó có nội dung:
- Xây dựng hệ thống thư viện điện tử, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và internet trong hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên. Xây dựng website các trường trung học phổ thông chuyên toàn quốc;
- Xây dựng 664 phòng học, 365 phòng học bộ môn, 49 nhà tập đa năng,
73 thư viện, 73 phòng họp giáo viên, 63 nhà công vụ, 55 nhà nội trú và nhà ăn, 13 bể bơi theo tiêu chuẩn quy định, diện tích xây dựng 255.950 m2;
- Hệ thống thư viện, thư viện điện tử sẽ được phát triển, cập nhật thông tin trong và ngoài nước. Chương trình, tài liệu dạy học cũng sẽ được đổi mới theo hướng hiện đại, tiếp cận với trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục thể chất và bồi dưỡng nhân cách người học... Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24.6.2010

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Thư viện, một phần thiết yếu của cuộc sống



Trong bối cảnh phát triển quá nhanh của các phương tiện kỹ thuật số thời đại internet toàn cầu, các nhà lý thuyết “cực đoan” đã vội sớm đưa ra kết luận về sự cáo chung của hệ thống thư viện. Nhưng trên thực tế mọi việc đã không diễn ra như vậy.

Ngay cả tại những quốc gia văn minh, giàu có như Hoa Kỳ với lượng lớn máy tính cá nhân - gia đình dễ dàng truy cập vào các trang web điện tử trực tuyến từ các thư viện, hoặc cho dù chính thư viện quốc hội Hoa Kỳ là nơi chủ xướng cho ý tưởng thư viện điện tử toàn cầu và được nhiều quốc gia hưởng ứng, thì lượng độc giả tới thư viện vẫn gia tăng thông qua lượng thẻ phát hành hằng năm (wikipedia).

Tuy thời đại máy tính cá nhân xách tay và internet không dây không làm cáo chung hệ thống thư viện truyền thống nhưng cũng đã làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn về thư viện theo những thói quen truyền thống lâu nay.

Thay đổi để tồn tại

Từ gốc của “thư viện” theo ngôn ngữ Hy Lạp và Trung Hoa xưa đều có nghĩa là nơi cất giữ và bảo quản sách. Và lâu nay theo cái nhìn thông thường ở Việt Nam, thư viện là nơi cho mượn sách để đọc (tại chỗ, hoặc mang về nhà). Chính từ thực tế đơn giản đó mà nhiều người nghĩ nghề coi thư viện giống như… ông từ coi đền. Và nếu có ai đó tò mò lên trang Google Việt Nam gõ vào cụm từ “vui buồn nghề” rồi nhấn enter, máy sẽ nhả ra kết quả khoảng…hơn một triệu trường hợp vui buồn của mọi nghề, nhưng tìm đỏ con mắt cũng không hề thấy trường hợp vui buồn của… nghề thư viện. Coi bộ nghề thư viện ở xứ ta khá đìu hiu và phẳng lặng... Chưa hết, khi thấy tôi có vẻ quan tâm tìm hiểu xem mọi người nghĩ gì về thư viện, có người bạn của tôi kêu lên đầy ngạc nhiên: “Hả, thời buổi này mà còn có người tới thư viện à? Tưởng ba cái thư viện đó dẹp lâu rồi chứ ?!”.

Thư viện không chết và cũng không bị “dẹp”, mà thư viện chỉ thay đổi để tồn tại, sống và vươn lên phục vụ cho tiện ích của cộng đồng và xã hội. Thư viện ngày nay không thể bị coi như là một “kho sách” thậm chí còn bị coi là “kho ve chai” – vì toàn sách cũ, mà thư viện ngày nay được khẳng định là nguồn tài nguyên và nếu được khai thác đúng mức, nguồn tài nguyên này cung cấp nguồn năng lượng thiết yếu làm tăng trưởng tri thức của độc giả, góp phần thăng tiến xã hội một cách toàn diện. Do vậy, một chuyên gia trong ngành thư viện nhận định: “Trước sự bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, các thủ thư có các kỹ năng tìm kiếm đánh giá nguồn tài nguyên và liên kết các nguồn đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết”. Do vậy, quan niệm làm thủ thư như làm ông từ giữ đền, hưởng nhàn là một quan niệm không còn đất sống.

Nếu độc giả của thư viện truyền thống tới thư viện hỏi mượn cuốn sách A hoặc B, người thủ thư chỉ việc kiểm trong danh mục nếu có sẽ tiến hành thủ tục cho độc giả mượn và như vậy là kết thúc một “quy trình” lặp đi lặp một cách tẻ nhạt. Nhưng với thư viện thời nay, độc giả (giả định) không tới hỏi về cuốn sách A hoặc B mà tới hỏi người thủ thư về một đề tài nào đó, chẳng hạn đơn giản là cách chăm sóc hoa mai để nở đúng dịp Tết, hoặc một trào lưu mới của âm nhạc đương đại hay thuyết “hố đen” gì đó của vũ trụ... thì người thủ thư phải là người hướng dẫn cho độc giả nên đọc những cuốn sách nào hoặc truy cập vào trang web nào để tải thông tin. Như vậy, người thủ thư trong vai trò của người “cho mượn sách” đã chết, thay vào đó, người thủ thư sẽ đóng vai trò người hướng dẫn, người tiếp sức.

Thư viện Việt Nam: Cần nhiều hơn sự kết nối

Dĩ nhiên trong bối cảnh Việt Nam mà đa phần người dân còn sống ở vùng thôn quê, việc sử dụng internet chưa phổ biến thì việc đưa ra hình ảnh người thủ thư hơi “lý tưởng” như trên có vẻ… xa vời. Tuy nhiên trong thế giới văn minh kỹ thuật số ngày nay, hình ảnh người thủ thư - người hướng dẫn khoa học không còn là hình ảnh “lý tưởng” nữa, mà đã là hình ảnh thực tế - đương nhiên phải vậy!

Ở Việt Nam hiện nay có lẽ tốt nhất nên kết hợp thư viện theo lối truyền thống, đồng thời xây dựng thư viện theo xu hướng mà các quốc gia phát triển đã làm. Việc kết nối internet giữa thư viện trung tâm (quốc gia) với các thư viện cơ sở tại các vùng xa xôi, hẻo lánh đồng thời kết hợp thư viện trên các chuyến xe lưu động, cùng với dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện sẽ xóa dần khoảng cách về việc tiếp cận nguồn sách và tri thức giữa các vùng thôn quê và thành thị.

Điều đáng nói ở đây là tất cả các dịch vụ thư viện trên đều hoàn toàn miễn phí, trừ phí bưu điện. Tập trung đầu tư cho các thư viện theo lối “mở” cả về thư viện điện tử lẫn thư viện theo lối “sách trao tay” vẫn là quốc sách của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới theo đuổi mục tiêu “giáo dục suốt đời” cho công dân của mình để hướng tới một xã hội phát triển, giàu tri thức.

Trên các giao lộ thông tin của những ngã đường giáo dục (giáo dục cũng được hiểu như là một cách truyền đạt thông tin) thì thư viện cùng với các trường học được ví như các đền đài tỏa ánh sáng lung linh xuống tâm trí con người trong đời sống thường nhật còn đầy xô bồ, bóng tối và hỗn độn. Như vậy, theo một nghĩa rạch ròi, thư viện còn hơn là một phần thiết yếu của đời sống !!!

Tiến Phong (TMF GROUP): Khi chúng tôi cần tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu hay cần tham khảo những tư liệu nước ngoài, hầu như phải lên mạng tìm do nguồn sách trong thư viện không đáp ứng được. Trong khi đó, theo tôi biết ở một số thư viện nước ngoài, khi độc giả muốn tìm sách mà thư viện không có, thư viện sẽ đặt mua ngay lập tức hay xin bản copy nếu sách đó đã xuất bản quá lâu. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc tìm kiếm trên mạng thường nhanh và tiện lợi hơn nhưng không thể đảm bảo được nguồn và độ chính xác của tài liệu đó. Cho nên, tôi nghĩ thư viện vẫn có vai trò quan trọng nhất định của nó. Tôi nghĩ thư viện Việt Nam cần có những đầu tư và thay đổi tích cực hơn nữa để trở thành nơi mọi người nghĩ đến đầu tiên khi muốn tìm kiếm tài liệu. Ngoài ra, thư viện cần mở rộng đối tượng phục vụ, không chỉ là những sinh viên, giảng viên, những người làm công tác nghiên cứu mà cả những người dân bình thường có nhu cầu đọc sách.

Phạm Thủy Nguyệt (Công ty Thủy Lộc): Tôi từng biết về những người thủ thư thực sự yêu thích công việc của mình và gắn bó cả đời với công việc trong thư viện. Họ không chỉ là người ngồi một chỗ, giữ bộ mặt lạnh lùng, kiểm tra thẻ của bạn đọc, rồi bảo bạn đọc ký tên, cho mượn sách. Hai năm trước, khi theo học cao học tại Đại học La Trobe (Melbourne, Úc), tôi đã rất ấn tượng với thủ thư tại đây. Bà đã hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong việc tìm kiếm tài liệu để thực hiện đề tài. Có những đầu sách tôi cần mà không có, thì chỉ trong vòng một tuần, bà đã báo lại với tôi sách đã được mua về. Ngoài ra, thư viện của Việt Nam cũng nên trang bị hệ thống điện tử hiện đại, vì mạng lưới này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc bạn đọc tìm sách, để họ thực sự chủ động tìm các đầu sách hay, các đầu sách cần thiết cho việc nghiên cứu của mình chỉ bằng cách click chuột vào máy tính

Đưa thư viện về nước

* Nhà nghiên cứu dịch giả Nguyễn Tiến Văn là người đầu tiên chuyển toàn bộ thư viện của mình ở Toronto (Canada) về VN để tặng cho thư viện Khoa học xã hội tại TP.HCM.


Ông Văn chia sẻ với TNTT&GT, tổng số sách khoảng 15 nghìn cuốn, nặng 7 tấn rưỡi đủ thể loại từ nghiên cứu, triết học, dịch thuật, ngoại ngữ… là do ông thu thập, chọn lọc mua và “gầy dựng” cho thư viện cá nhân mình trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt có 1.000 cuốn từ điển bách khoa và chuyên ngành ông vẫn dùng tham khảo lâu nay. Việc chuyển nhượng hoàn toàn là tự tâm của ông. Là một dịch giả, một nhà nghiên cứu sống xa tổ quốc từ lâu, nay tuổi cao ông muốn về lại Sài Gòn và mong muốn được tiếp tục cống hiến. Ông chỉ muốn thư viện Khoa học xã hội cho ông một ưu tiên là tạo điều kiện thuận lợi khi ông đến nghiên cứu tìm tư liệu tại đây. Được biết số sách đã chuyển theo đường thủy và tàu đã cập cảng Cát Lái với kinh phí hơn 4.000 USD. Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Hậu, số sách trên hiện nay vẫn đang được phân loại để làm thư mục nghiên cứu vì quá nhiều.

* Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê

cũng đã chuyển gần hết thư viện cá nhân của ông từ Pháp về VN. Đây cũng là cuộc di chuyển tốn nhiều công sức vì phải phân loại, quá cảnh, khi qua cửa khẩu lên máy bay. Vì lý do đặc biệt là thư viện giáo sư có rất nhiều băng đĩa nhạc, các dụng cụ nghiên cứu nhạc dân tộc như đàn, sáo, cồng chiêng… nên không thể chuyển đường biển vì sợ hư hỏng, ẩm ướt. Toàn bộ thư viện phải “xẻ ra” thành nhiều phần, nhiều đợt để chuyển bởi cước phí vận chuyển máy bay mỗi lần một ít, rất giới hạn và như ông tâm sự, đến nay vẫn phải tiếp tục phân loại tiến hành.

Giáo sư cho biết, đã có 420 kiện hiện vật quý được đưa về căn nhà do Ủy ban nhân dân TP.HCM cấp cho ông và ngôi nhà này sẽ trở thành bảo tàng Trần Văn Khê trong tương lai để các bạn trẻ muốn đến nghiên cứu, tìm các tư liệu, dữ liệu về âm nhạc truyền thống.

Đông Dương

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201017/20100424164125.aspx



Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

CÔ THỦ THƯ TRẺ TUỔI

CÔ THỦ THƯ TRẺ TUỔI

Cập nhật lúc 09h32, ngày 04/05/2010


Trời bắt đầu trở gió sau những ngày nắng đông vàng ruộm. Tôi rẽ vào Trường Đại học Sư phạm tìm đến góc trẻ trung nhất trong hệ thống trường lớp đồ sộ này, đó là Trường THPT Nguyễn Tất Thành đang nằm khiêm nhường bên những tòa nhà cao kiêu hãnh.

Sân trường rộng thênh, học sinh vừa vào tiết đầu, không khí còn vương những tiếng nô đùa vang rộn. Lần đầu tiên bước chân vào thư viện của Trường Nguyễn Tất Thành, tôi thực sự ngạc nhiên bởi hoạt động nơi đây khác với nhiều nơi tôi từng đến. Đón tôi bằng nụ cười tươi trẻ, Trần Kim Toàn - cô thủ thư của thư viện đã xua tan trong tôi những e ngại ban đầu. Dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc dài đung đưa theo nhịp chân bước, đôi mắt sáng trong, trông Toàn như một cô sinh viên hồn nhiên năng động. Gặp Toàn trong những ngày cuối năm bận rộn, tôi đã được dịp “mục sở thị” những công việc thường ngày của cô cán bộ thư viện trẻ tuổi. Từ lúc nào, trong tôi đã có nhiều thay đổi khi nghĩ về vai trò của một thủ thư trong thư viện trường học. Không còn cứng nhắc, xưa cũ và thụ động. Tất cả đang trở nên tươi mới, trẻ trung, hòa vào nhịp sống sôi nổi với nhiều thử nghiệm đáng trân trọng, khích lệ.

Tốt nghiệp khoa Thông tin - Thư viện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2005, Toàn bắt đầu bước vào không gian sinh hoạt hoàn toàn mới. Được làm việc tại Trường Nguyễn Tất Thành - một tập thể 5 năm liền là Lao động Xuất sắc, được UBND thành phố Hà Nội công nhận trường đạt Chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001 - 2010, được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba… Toàn vô cùng tự hào và càng ý thức rõ hơn vai trò của người cán bộ thủ thư trong ngôi trường có nhiều thành tích này. Thời gian đầu còn bỡ ngỡ, Toàn đã có nhiều suy nghĩ, trăn trở về hướng đi của mình để làm sao cho có ý nghĩa, có hiệu quả thực sự. Không để cho những dự định và niềm say mê dừng lại, Toàn bắt tay vào lên kế hoạch cho thư viện với mong ước cháy bỏng nó sẽ trở thành điểm đến hứng thú và gần gũi với các em học sinh.

Cũng từng là một học sinh, sinh viên yêu sách, mê thư viện, Toàn biết rằng để thu hút các bạn trẻ đến với nơi mà mọi người quen với nếp nghĩ là tĩnh lặng, thâm trầm này thì người cán bộ thủ thư phải có nhiều bước đột phá làm thay đổi suy nghĩ của học sinh về một thư viện cũ kĩ, buồn tẻ. Không chỉ đơn thuần là ngồi trông kho sách, nhận nguồn sách được cấp theo chỉ tiêu và đáp ứng những gì bạn đọc yêu cầu mà chính mình phải khởi động cũng như lôi cuốn các em học sinh cùng tham gia thì mới tạo được sự hào hứng. Toàn mạnh dạn thay đổi kho sách để các em học sinh dễ tiếp cận hơn. Không thủ tục rườm rà như trước, không nội quy quá cứng nhắc, kho sách được sắp xếp theo hình thức bán mở. Giá ngoài cùng, gần bàn đọc sách là giá sách chính các em học sinh được tự chọn lựa. Giá phía trong là giá sách mượn theo yêu cầu được sắp xếp rất khoa học và dễ tìm. Sáng kiến về loạt sách Khoa học thường thức với 6 khoang sách: KHTT(1) - Môi trường, thiên nhiên, động thực vật, con người; KHTT(2) - Các vấn đề xã hội, tâm lí, sức khỏe, y tế; KHTT(3) - Sách tham khảo khối tự nhiên; KHTT(4) - Sách tham khảo khối xã hội; KHTT(5) - Sách tham khảo giáo dục thể chất, thẩm mĩ; KHTT(6) - Sách về danh nhân, nhân vật lịch sử, nhân vật nổi tiếng, gương sáng đã giúp Toàn khai thác triệt để vốn sách cũng như định hướng, kích thích học sinh hứng thú trong việc tìm hiểu kiến thức rộng mở. Bằng cách phân loại sáng tạo này, học sinh có thể dễ dàng tham khảo những chủ đề mình cần mà không mất công tra cứu lâu. Ngoài ra, thư viện còn có thêm Tủ sách tham khảo liên lớp dành cho hai cấp, giúp các em bước đầu tìm hiểu về những kiến thức ngoài cấp học của mình, là hành trang cho con đường dài rộng phía trước. Thư viện đưa ra nhiều loại tủ sách giúp các em nhanh chóng tìm được tài liệu theo sở thích hoặc theo hướng tìm kiếm của mình: Tủ sách Pháp luật, Tủ sách Tin học, Tủ sách Tiếng Anh, Tủ sách Ngoại văn... với nhiều tài liệu bổ ích cũng là địa chỉ cho các em học sinh khát khao thu nhận kiến thức, thực hiện kế hoạch du học của mình. Tủ sách Tuyên truyền giáo dục, Tủ sách Hồ Chí Minh nghe có vẻ khô cứng, thiếu sức thuyết phục nhưng với cách bài trí mềm mại, gợi mở nên học sinh không hề cảm thấy ngại đọc. Các cộng tác viên thư viện nhỏ tuổi còn giúp cô Toàn trang trí cho Giỏ sách Âm nhạc thật đặc biệt với những tập bài hát được đặt vào giỏ mây như những món quà dễ thương tặng bạn bè ngày lễ.

Điều đặc biệt của thư viện trường THPT Nguyễn Tất Thành chính là có tủ sách mang tên Tiếng Anh “Let’s your idea fly” (Hãy để ý tưởng của bạn cất cánh). Đó chính là những bài tập các môn học, những bài báo cáo chuyên đề, những tập san do chính học sinh Trường Nguyễn Tất Thành biên soạn. Những tài liệu được lựa chọn vào tủ sách này đều được đánh giá là có giá trị nội dung tốt, thể hiện công sức tìm tòi cũng như sự sáng tạo trong cách trình bày của học sinh. Học sinh có thêm nguồn tài liệu để tham khảo, giáo viên coi đó là công cụ đắc lực hỗ trợ cho bài giảng của mình.Có thể nói cách bổ sung tài liệu vào thư viện theo hình thức này vô cùng thiết thực và hiệu quả.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động, cùng với những người tâm huyết với thư viện, Toàn đã xin phép BGH nhà trường cho xây dựng thư viện thành Ngôi nhà chung thân thiện. Nơi đây học sinh có thể tìm được những cuốn sách mà mình yêu thích cũng như có không gian tự học nghiêm túc và thoải mái. Đề án “Thư viện - Ngôi nhà chung thân thiện” được triển khai theo nhiều hình thức. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh: trưng bày, điểm sách theo chủ đề; chủ động hướng dẫn cách tra tìm tài liệu cho bạn đọc mới trong thư viện; giới thiệu sách và tiến hành thử nghiệm chương trình ngoại khoá đối với khối THCS thành một hội thi giới thiệu sách. Ngoài ra, Toàn còn chủ động phối hợp cùng các thành viên trong tổ công tác thư viện trong việc tuyên truyền sách phù hợp với chương trình học tập. Đầu tháng 12, tổ Thư viện đã cùng với giáo viên dạy Văn của lớp 6A1, 6A2 kết hợp tổ chức thi kể truyện cười cho các em. Hoạt động này đã khuyến khích các em tìm đọc tài liệu, hiểu sâu sắc thêm và có hứng thú về một thể loại trong chương trình dạy học Ngữ văn.

Kinh phí dành cho thư viện còn hạn hẹp, không ngồi chờ nguồn sách ít ỏi được cấp, Toàn đã phát động phong trào quyên góp sách để tủ sách thư viện ngày càng phong phú. Chuyên mục “Sách hồng tặng Thư viện” thu hút được giáo viên, học sinh, tập thể và các cá nhân trong và ngoài trường. Phong trào sách hồng luôn diễn ra sôi nổi và trở thành một trong những hoạt động truyền thống của nhà trường. Số sách quyên góp được trong năm học 2006 - 2007 là 2.827 cuốn; năm học 2007 - 2008 là 545 cuốn. Hiện nay, tổng số tài liệu có trong thư viện đã lên đến 11.557 bản sách và 14 loại báo, tạp chí. Toàn soạn ra cả cuốn sổ dày lưu tên những cá nhân, tập thể tặng sách cho thư viện để những tấm lòng ấm áp được vinh danh, cũng là động lực để mọi người đóng góp cho tủ sách chung ngày càng nhiều hơn. Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, được sự cho phép của BGH, Toàn đã tiến hành tổ chức cuộc thi “Bình truyện ngắn chọn lọc viết về nhà giáo Việt Nam”. Cuộc thi đã thu hút được toàn trường tham gia với số lượng hơn 100 bài viết, trình bày rất sinh động, thể hiện trí tưởng tượng, óc sáng tạo của học sinh. Cuộc thi diễn ra sôi nổi, nhiều bài được trình bày công phu, đẹp mắt. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh các nhà giáo và cũng mang ý nghĩa giúp học sinh có cái nhìn gần gũi, chia sẻ hơn đối với những người thầy của mình.

Bằng nhiều phương pháp linh hoạt, sáng tạo, Toàn đã thể hiện được sự quan tâm đến các em thông qua nhiều hoạt động ngoại khoá bổ ích, cổ vũ tinh thần ham tìm tòi, học hỏi và đam mê đọc sách. Xây dựng được thói quen đến thư viện mượn sách trở thành một nhu cầu thường xuyên và không thể thiếu của các em học sinh là một quá trình lâu dài và khó khăn. Toàn không chỉ là cô thủ thư, cô giáo mà còn là người chị gần gũi các em, chia sẻ với các em những tâm tư trong cuộc sống nên các em học sinh coi Toàn như người chị thân thiết. Cứ hết tiết là lại chạy sang thư viện tìm sách đọc, hay đơn giản là hỏi han cô thủ thư vui tính hoặc trêu đùa nhau cho tan những căng thẳng trong tiết học vừa qua. Nhiều học sinh yêu thích thư viện đã trở thành những cộng tác viên đắc lực, hỗ trợ thư viện trong công tác xử lí nghiệp vụ, phục vụ và tuyên truyền một cách tự nguyện. Môi trường này sẽ giúp các em vững vàng hơn trên con đường phía trước, và chính các em sẽ là những điểm sáng thu hút các học sinh khác đến với thư viện. Cộng tác viên của chị Toàn không chỉ có khô cứng là sách và sách mà còn là những tiếng cười giòn tan, những yêu thương gần gũi như trong một mái ấm gia đình, là những buổi liên hoan nho nhỏ tràn đầy kỉ niệm. Và những ai đã từng làm cộng tác viên với thư viện đều đã đỗ đại học với kết quả tốt. Phải chăng được gần sách, con người cũng cảm thấy ham học hỏi hơn, say mê với nguồn kiến thức vô tận của cuộc sống và càng có thêm động lực phấn đấu cho ước mơ cháy bỏng của mình?

Thư viện với hai phòng dành cho học sinh và giáo viên liên thông nhau tạo một cảm giác gần gũi giữa thầy và trò. Trò có gì không hiểu có thể trực tiếp sang hỏi thầy. Thầy cũng có nhiều thời gian để theo dõi những biến đổi trong trò và có phương pháp tiếp cận trò hiệu quả hơn. Nếu như những năm học trước, số lượng học sinh đến thư viện khoảng 50 - 60 lượt/ ngày thì đến nay số học sinh trung bình đến thư viện là 75 - 80 lượt/ ngày. Trong tháng 12 vừa qua, Thư viện được vinh dự tiếp đón hai đoàn thăm quan của các cán bộ, giáo viên thư viện trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Trường Bồi dưỡng cán bộ Giáo dục tổ chức tổng cộng 275 người). Các em học sinh đã tự tay làm những tấm thiếp lưu niệm đầy ý nghĩa để tặng cho các đại biểu. Công việc này được cô Toàn và các cộng tác viên thư viện cùng nhau thực hiện với mong muốn đem đến cho đoàn đại biểu những ấn tượng khó phai và thể hiện phong cách cũng như sự chân thành nồng nhiệt của học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành.

Là thư viện linh động trong cách bài trí, ánh sáng chan hòa qua những ô cửa khiến không gian thư viện như bừng sáng lên soi rõ bảng tin đầy mầu sắc và hình ảnh. Bảng tin là đối tượng chính dễ nhìn thấy nhất trong thư viện. Trên bảng tin không chỉ có chữ và chữ mà có cả những bông hoa do chính các em học sinh tự làm. Có cả những bức tranh đầy màu sắc chứa chan hoài bão và ước mơ. Cộng tác viên của thư viện còn giúp Toàn giới thiệu những cuốn sách hay trên bảng tin nhằm định hướng một cách thuyết phục cho các bạn học sinh trong việc chọn sách. Một chiếc bảng để học sinh có thể yêu cầu “Sách hay bạn muốn” cũng là ý tưởng rất mới mẻ của Toàn. Học sinh có thể viết phiếu yêu cầu những cuốn sách mình thích, cũng có thể viết về những mơ ước của mình với sự chân thành đáng yêu. Những giỏ hoa, bể cá, tượng, gấu bông cùng những hình thù ngộ nghĩnh thấp thoáng trong phòng khiến thư viện như là một điểm đến thư giãn lí tưởng, lãng mạn. Học sinh đến đây được nói chuyện, được trao đổi bàn luận, được cười nói thoải mái nên không gian thư viện đã trở thành nơi đi về đầy niềm vui, kỷ niệm.

Giải Nhì cuộc thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ, hoàn thành lớp học Thiết kế đa phương tiện hỗ trợ giảng dạy do Đại học FPT tổ chức, giải Nhất Hội thi cán bộ giáo viên thư viện giỏi cấp thành phố năm học 2006 - 2007, giải Nhất Hội thi Cán bộ - Giáo viên thư viện giỏi toàn quốc năm 2007… là những khích lệ, là niềm động viên to lớn cho cô gái trẻ tiếp tục thực hiện những đam mê của mình. Có được những thành công nho nhỏ này, Toàn không quên nhắc về những chia sẻ, hỗ trợ của các giáo viên trong trường. Đặc biệt, sự ủng hộ, góp ý về ý tưởng của phòng Khoa học - Công nghệ thụng tin - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã giúp Toàn thực hiện thành công những kế hoạch của mình. Toàn cũng muốnsẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, chia sẻ với các đồng nghiệp khắp nơi để cùng học hỏi và trao đổi những ý tưởng của mình cho nhau nghe, cùng nhau xây dựng một mô hình thư viện trường học thực sự hiệu quả. Toàn mong sao thư viện của mình sẽ có diện tích rộng hơn, có thêm nhiều chỗ ngồi để các em học sinh có thể xem phim tại chỗ và cùng nhau thảo luận. Dự định sẽ làm blog cho thư viện trường để học sinh có thể vào nhận xét về cách phục vụ, trình bày mong muốn của mình, yêu cầu sách hay. Lên kế hoạch cài vào máy tính một thư mục để học sinh được xem những đoạn phim ngắn bổ ích gọi là Cinema trong thư viện…

Còn, còn nhiều ấp ủ nữa sẽ đến mỗi ngày. Toàn muốn làm việc mãi trong môi trường của thư viện trường học, bởi nơi đây cho Toàn được thỏa sức bay bổng với những ước mơ tươi đẹp, được gặp gỡ những tâm hồn trong trẻo, được làm tất cả những công việc của một cán bộ thủ thư, được thử nghiệm những ý tưởng mới và được phát huy hết khả năng của mình trong không gian nhỏ bé nhưng cũng đầy rộng mở. Mùa xuân đang rất gần, chồi non lộc biếc đang náo nức mời gọi những niềm vui. Nụ cười cô thủ thư trẻ còn đọng lại mãi trong lòng tôi, trong niềm tin và tình yêu của những học trò nhỏ.





Lương Gia Linh - Tập san Sách GD và Thư viện trường học

Nguồn: http://hanoi.edu.vn/newsdetail.asp?NewsId=6458&CatId=204

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Nông dân đến thư viện để tìm thông tin, tri thức

Ở thời buổi phương tiện thông tin bùng nổ, hình ảnh những người nông dân chân lấm tay bùn đến thư viện miệt mài đọc sách, lĩnh hội kiến thức khiến không ít người cảm phục. Chuyện nghe lạ nhưng lại có thật ở Trang Liệt, phường Đồng Quang (thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh).
Bắc Ninh: Thư viện của nông dân trên vùng quê văn hóa
Hàng chục năm nay, thư viện là nơi người nông tìm đến để nắm bắt thông tin

Nơi nông dân ham học

Thư viện Trang Liệt nằm trong trung tâm văn hóa của thôn, được xây dựng khá khang trang. ông Ngô Hữu Lợi, 58 tuổi, thủ thư cho hay: “Thành lập năm 1961, Trang Liệt là thư viện hợp tác xã nông nghiệp điển hình toàn miền Bắc thời đó. Từ quy mô nhỏ, đầu sách hạn chế, đến nay, thư viện đã trở thành trung tâm văn hoá, điểm học tập thường xuyên của cả cộng đồng. Hiện thư viện có tới 8.000 đầu sách, 23 loại báo và tạp chí các loại”.

Với bề dày truyền thống, thư viện Trang Liệt đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Hơn cả những danh hiệu đó, nhờ có thư viện, phong trào đọc ở đây khá nề nếp, quy củ, tạo động lực cho phong trào khuyến học của địa phương phát triển. Phòng đọc khang trang, thoáng mát với diện tích 80m2, thư viện cùng lúc có thể phục vụ hơn 40 bạn đọc. Cùng với việc tập hợp một số lượng sách báo lớn, đáp ứng nhu cầu người đọc, thư viện Trang Liệt đã có những cách làm hay, hiệu quả. Với việc duy trì mở cửa 5 buổi/tuần vào các ngày 2, 4, 6, 7, chủ nhật, thư viện không chỉ hướng trọng tâm vào đối tượng thanh, thiếu niên mà còn tạo điều kiện cho người dân đến đọc hoặc mượn sách về nhà.

Nhằm tạo thuận lợi cho bạn đọc, nhất là những nông dân quanh năm bận bịu với đồng ruộng, mỗi khi có sách mới, thư viện lại giới thiệu rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh. Ông Lợi chia sẻ: “Mỗi khi có sách quý, người lớn, học sinh kéo nhau đến thư viện đọc rất đông. Có người ham đọc sách đến mức, vừa đi làm đồng về, biết thông tin, ghé vào thư viện mượn sách về đọc luôn. Nhiều khi số lượng sách có hạn nên mọi người chỉ được mượn thời gian ngắn, đọc xong phải trả lại ngay để cho người khác mượn”.

Ngay như ông Lợi, vốn tật nguyền từ nhỏ nhưng thú ham đọc sách đã níu chân ông ở lại thư viện, cống hiến hàng chục năm qua. Hình ảnh ông già đi lại khó khăn nhưng hàng ngày đều đặn đến trông nom khiến người dân Trang Liệt nể phục và tự nguyện đóng góp, duy trì hoạt động thư viện suốt từ ngày đầu thành lập cho tới nay.

Mải miết sắp xếp gọn gàng những chồng báo của mọi người vừa gửi trả, ông Lợi tâm sự: “Tôi đi lại khó khăn nhưng luôn được bà con, nhất là các cháu học sinh giúp đỡ nên công việc cũng bớt phần vất vả. Dù số tiền hỗ trợ của chính quyền không nhiều (200.000 đồng/tháng) nhưng không vì thế mà tôi có ý định từ bỏ công việc đầy ý nghĩa này”.

“Mục sở thị” kho thư viện, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều đầu sách quý, nhất là về nông nghiệp, nông thôn; báo chí cũng được cập nhật thường xuyên, liên tục. Mỗi lĩnh vực được sắp xếp khoa học, ghi chú rõ ràng trên mỗi đầu sách nên khi người đọc có nhu cầu được đáp ứng nhanh chóng, tiện lợi.

Ở giữa vùng quê, người dân vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng thư viện hoạt động khá chuyên nghiệp. Thư viện ghi rõ nội quy, yêu cầu mọi người chấp hành đúng, như khi đến đọc, mượn sách, báo phải đăng ký cấp thẻ, có sổ mượn sách; quy định số lượng, thời gian mượn, nếu quá lâu sẽ thông báo trên đài truyền thanh. Điều đáng ghi nhận là mọi người rất đồng thuận và tuân thủ đúng quy định, giúp thư viện hoạt động hiệu quả.

Huy động mọi nguồn lực

Để có nguồn sách phục vụ bạn đọc, hàng năm, chính quyền địa phương trích một khoản kinh phí nhỏ hỗ trợ việc mua sách, báo; thường xuyên phối hợp với trường THCS phát động học sinh, phụ huynh ủng hộ tiền, bổ sung sách mới. Cứ 5 năm một lần, thư viện lại kêu gọi nhân dân đóng góp, khuyến khích bà con ủng hộ sách. Nếu số lượng sách trùng bản, sách cũ nát nhiều, thư viện chuyển ủng hộ sách sang tiền mặt để mua sách mới. Chỉ tính riêng năm 2009, thư viện đã huy động được 5,5 triệu đồng để mua sách, báo. Ngoài ra, còn vận động Thư viện tỉnh Bắc Ninh, Thư viện Quốc gia ủng hộ sách, báo để kho sách thêm phong phú.

Không những thế, nhằm thu hút bạn đọc, các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, thư viện còn phát động các cuộc thi đọc sách. Tổ chức đều đặn các buổi nói chuyện chuyên đề về văn học, lịch sử hoặc tình hình thời sự nổi bật... Hay nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, thư viện cùng các đoàn thể trong xã tổ chức phát động cuộc thi tìm hiểu, thu hút hàng trăm bài dự thi của các tầng lớp nhân dân. Cách làm này không chỉ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho người dân mà còn phát huy hiệu quả phong trào đọc sách, báo.

“Ở quê tôi, nông dân rất đam mê đọc sách, báo. Ngay cả vụ thu hoạch, không có thời gian đọc sách, người dân vẫn tranh thủ vào mượn báo để cập nhật thông tin. Với những đầu sách về mảng nông nghiệp, nông thôn thì thư viện tương đối đầy đủ, gồm sách về các mô hình kinh tế hiệu quả, cách phòng tránh dịch bệnh, nuôi trồng cây - con mới...”, ông Lợi tự hào.

Ngoài các ngày mở cửa theo quy định, thư viện còn có đội ngũ cộng tác viên với hơn chục em học sinh Trường THCS Đồng Quang mang sách, báo đến tận nhà cho những cụ già có nhu cầu đọc nhưng đi lại khó khăn.

Ông Ngô Hữu Quỳnh, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Trang Liệt hồ hởi: “Chính việc đến thư viện đọc sách, báo hàng ngày giúp người dân chúng tôi nắm bắt thông tin giáo dục, khích lệ tinh thần ham học của các cháu, đẩy mạnh phong trào khuyến học của địa phương...”. Với tinh thần ham học, cũng thật dễ hiểu khi Trang Liệt là nơi khởi phát của phong trào xây dựng Làng văn hóa. Để rồi bắt đầu từ đây, phong trào được phát triển rộng khắp trên cả nước.

Nguồn: "http://www.cinet.gov.vn/ArticleDetail.aspx?newsid=50087&ZoneId=78&rid=140"

Trao đổi tư liệu với thư viện lớn nhất thế giới

TT - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có chủ trương cho phép các cơ quan trực thuộc thực hiện chương trình hợp tác, trao đổi tư liệu với Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ - thư viện lớn nhất thế giới hiện nay.

Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp cận với bản sắc phong thần hoàng làng Thủ Lễ, thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Lê Thị Toán

Trước đó, tháng 8-2008, bà Tôn Nữ Liên Hương, người đảm trách khu vực Đông Nam Á của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, đã trực tiếp đặt vấn đề với Huế về việc hợp tác nghiên cứu và trao đổi tư liệu.

Dự kiến thực hiện trong tháng 8-2010, tư liệu mở đầu chương trình trao đổi là hệ thống gần 300 bản sắc phong, sắc chỉ, sắc chế... của triều đình nhà Lê - Tây Sơn và Nguyễn, do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa sưu tầm được tại các làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 11-5, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế đã có hội nghị thẩm định về mặt nội dung hệ thống bản sắc nói trên.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị này bước đầu đã tổ chức số hóa, phân loại, dịch nghĩa... văn bản. Chiếm phần lớn trong số gần 300 bản sắc là sắc phong các vị thần, nhất là thần hoàng và những vị nhân thần có công trạng; khen thưởng hay giáng, bổ các vị quan lại...

Đây chính là một phần của dự án thư viện Hoàng Cung Huế (hoặc thư viện Cố Đô), chủ yếu nhằm tập hợp tất cả những nguồn tư liệu Hán - Nôm cổ của Huế, dự kiến đặt tại di tích Tàng Thư lâu - một cơ quan lưu trữ của triều đình nhà Nguyễn.

Nguồn: "http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/379359/Trao-doi-tu-lieu-voi-thu-vien-lon-nhat-the-gioi.html"


Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Thư viện cổ Thiên Nhất Các

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Thư viện cổ Thiên Nhất Các, thư viện lâu đời nhất châu Á và là một trong ba thư viện tư nhân lâu đời nhất thế giới.

Tiếp tục chuyến thăm tỉnh Chiết Giang, chiều 28/4/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm thành phố Ninh Ba, một trong những thành phố phát triển năng động, có sức cạnh tranh mạnh nhất Trung Quốc.
*Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến thăm Thư viện cổ Thiên Nhất Các được xây dựng năm 1561, là thư viện tư nhân lâu đời nhất châu Á và là một trong ba thư viện tư gia lâu đời nhất thế giới. Đây là di tích nằm trong danh sách văn vật được bảo vệ trọng điểm của Trung Quốc.
*Nguồn: http://www.chinhphu.vn/Home/Viet-Nam-la-diem-dau-tu-hap-dan-cua-doanh-nghiep-Ninh-Ba/20104/30390.vgp

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Tìm tin trên Internet (tiếp,t,t)

Yêu cầu:
-Cho biết địa chỉ website của Thư viện trường đại học Camridge và giờ mở cửa của thư viện
-Cho biết số lượng vốn tài liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Tìm tin trên Internet (tiếp) tìm kiếm hình ảnh




cho biết địa chỉ website chứa những hình ảnh này.

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Tìm tin trên Internet (tiếp)

5. Viết đường dẫn để tìm đến địa chỉ dưới đây (sử dụng danh mục của Yahoo - Yahoo! Directory)
.Library and Information Science Wiki
Community encyclopedia for library and information science topics.
www.liswiki.com/wiki/Main_Page
6. Viết đường dẫn để tìm đến địa chỉ website của tỉnh Khánh Hoà (sử dụng http://www.vietnamwebsite.net) và từ đó cho biết tỉnh Khánh Hoà được thành lập vào ngày tháng năm nào (viết đường link), có những Huyện, thị, thành phố nào trực thuộc.

Tìm tin trên Internet

Bài tập Tìm tin trên Internet

Tìm kiếm thông tin trên mạng thông qua www.google.com hoặc www.yahoo.com hoặc www.alltheweb.com hoac http://xalo.vn
1. Tìm kiếm thông tin về nghề thư viện, Librarianship, quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền: sử dụng từng cách tìm sau: "có tất cả các từ", "có cụm từ chính xác", "có ít nhất một trong các từ", cho nhận xét về kết quả tìm kiếm.


2. Tìm website bán sách trên mạng và vào website này để tìm hiểu phương thức thanh toán và vận chuyển.
3. Cho biết ebay là website làm gì? (gợi ý đọc thông tin về ebay trên wikipedia)
4. Tìm hình ảnh về thư viện, trang thiết bị thư viện (kết quả tìm kiếm lưu vào một thư mục với tên là Hinhanhthuvien).

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Nhân ngày Sách và Bản quyền thế giới

TT - “Khi bạn mua một cuốn sách, có nghĩa là bạn đã làm một động tác để bắt đầu tích lũy cho mình thêm một kiến thức trong kho tàng tri thức nhân loại”.
“Khi bạn mua một cuốn sách có bản quyền, có nghĩa là bạn đã góp phần trả thù lao xứng đáng cho sáng tạo và lao động của người viết sách, của dịch giả, của người biên tập...”.

“Khi bạn mua một cuốn sách không có bản quyền, có nghĩa là bạn đã tước đi nguồn thu nhập chính đáng của một dây chuyền những người lao động và sáng tạo”.

“Khi bạn mua một cuốn sách không có bản quyền, còn có nghĩa là bạn đã tiếp tay cho một hành động ăn cắp. Hơn thế nữa, khi bạn đã hình thành thói quen đi mua sách không có bản quyền vì ham rẻ, bạn có bao giờ ý thức được mình đang góp phần giết chết sức sáng tạo của một số tinh hoa trong xã hội, đầu độc môi trường đầu tư nước ngoài tại nước bạn? Vì bạn có biết các tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, luôn luôn dị ứng đến mức nào với những môi trường kinh doanh mà bản quyền - dù trong lĩnh vực nào - luôn bị xâm phạm...?”.

Những lời tâm huyết nhân Ngày sách và bản quyền thế giới 23-4 trên đây không phải của một nhà văn, một chủ nhà sách hay một chuyên gia bản quyền nào, mà là của ông Mike Honnold - tham tán thương mại sứ quán Mỹ - chia sẻ với bạn đọc và những người làm sách tại tọa đàm “Nâng cao nhận thức về sách có bản quyền tại VN” được Thái Hà Books tổ chức hôm 22-4.

Cũng tâm huyết không kém, ông Nguyễn Kiểm - cục trưởng Cục Xuất bản - chia sẻ: “Khi mua một cuốn sách, có bao giờ bạn nghĩ chúng ta đã từng, ít nhất hai lần trong lịch sử dân tộc, bị ngoại xâm không những giày xéo đất nước mà còn gom tất cả thư tịch: sách vở, chiếu, sắc phong, hoành phi câu đối, gia phả tổ tiên... tất cả những gì có chữ... đốt hết, tiêu hủy hết. Không chỉ để phá hủy hiện tại, chúng muốn cắt đứt chúng ta hoàn toàn với quá khứ, không còn một bằng chứng nào để minh chứng “cái này là thuộc về người VN”. Một khi “bản quyền dân tộc” bị tiêu hủy, bản quyền của từng tác giả chắc chắn cũng sẽ không còn. Vậy sao hôm nay chúng ta thản nhiên đến thế khi sà vào một tấm vải bạt ven đường và mua một cuốn sách mà chúng ta biết chắc là sách lậu chỉ vì nó rẻ hơn?”.

Có quá nhiều câu hỏi đặt ra trong ngày “Tết sách”. Nhưng liệu mấy người trong chúng ta tự đặt những câu hỏi ấy cho mình, khi chỉ đơn giản là đi mua một cuốn sách, mỗi ngày?

THU HÀ
(Theo tuoitre.vn)

Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Nhà vệ sinh ở đâu ?

Ấn tượng ban đầu và suy nghĩ lại về những câu hỏi “nhà vệ sinh ở đâu?”



Bài báo này được in và dịch sang Tiếng Việt với sự cho phép của Ban biên tập Tạp chí Dịch vụ Tham khảo và Phục vụ Người dùng tin, Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA)
Lorraine J. Pellack, "First Impressions and Rethinking Restroom Questions," Reference & User Services Quarterly 49, no. 1 (Fall 2009): 4,6.

Trong suốt hơn hai mươi năm qua, ở mỗi thư viện mà tôi đã từng làm việc đều có ít nhất một nhân viên kêu ca về việc họ hay phải chỉ dẫn nhà vệ sinh ở đâu. Họ phàn nàn rằng những bạn đọc đó cần được học về các biển chỉ dẫn và các kiến trúc sư thiết kế tòa nhà đó thì thật là tệ vì đã đặt nhà vệ sinh ở những nơi khuất tầm nhìn hoặc quá xa lối vào thư viện. Câu hỏi của tôi là thế: Tại sao lại phải phàn nàn? Đây chính là cơ hội để chúng ta tỏa sáng, để chào mời mọi người đến với thư viện. Mặc dù sự thật là ngay đến những con khỉ được huấn luyện cũng biết chỉ hướng đúng, nhưng tôi muốn tin rằng con người ta khao khát làm nhiều hơn thế. Trong nền kinh tế hiện nay, với sự suy giảm về số lượt sử dụng dịch vụ tham khảo và ngân sách hạn hẹp, mỗi sự xuất hiện của bạn đọc đều là quan trọng. Đó không chỉ bởi họ là những người có nhu cầu đến thư viện, mà mỗi cá nhân đó đều là người có tiềm năng. Họ là những người có tiềm năng đoạt giải Nobel, là những nhà lập pháp, là những cha mẹ tương lai của những đứa con thiết tha với sách, là những người say mê thư viện, là những đứa trẻ có tiền đồ sáng lạn trong học hành, thậm chí có thể là những người sẽ ủng hộ cho thư viện trong tương lai.

Hãy đặt mình vào vị trí của bạn đọc đứng ngoài quầy tham khảo và hãy nghĩ lại xem tại sao ai đó lại có thể hỏi một câu hỏi cụ thể như là “nhà vệ sinh ở đâu?”, rất có khả năng là người hỏi chưa từng đến thư viện này. Đúng vậy, bạn đã trả lời câu hỏi này không biết bao nhiêu lần, nhưng hầu hết mọi người chỉ hỏi câu này trong lần đầu tiên đến thư viện. Bất chấp nhiều cố gắng, chúng ta vẫn đang phải tiếp tục đấu tranh để phá bỏ định kiến nhân viên thư viện là những bà già hay gắt gỏng, khuôn mẫu cứng nhắc, luôn bắt mọi người phải im lặng. Đây là cơ hội vàng để tạo ấn tượng tích cực ban đầu, hãy chào đón và gây ấn tượng với bạn đọc mới về sự sẵn sàng giúp đỡ của một cán bộ thư viện. Những giao tiếp như vậy, đổi lại, sẽ tác động đến sự thiết tha của các vị khách mới và khiến họ muốn quay trở lại trong tương lai.

Có những bạn đọc hay hỏi về lối đi thậm chí ngay cả khi người được hỏi đang đứng ngay cạnh biển chỉ dẫn mà họ cần tìm. Rõ ràng là, một số người thích hỏi người khác hơn là dành thời gian để đọc các biển chỉ dẫn trong tòa nhà. Những thói quen của con người khi ở trong môi trường mới thường bao gồm các câu hỏi định hướng trước hết vì chúng làm họ bớt e ngại hơn. Nếu được trả lời và cảm thấy thoải mái, sau đó họ sẽ chủ động hỏi những câu phức tạp hơn. Những câu hỏi định hướng có thể là vụn vặt, nhưng nó là bước đầu tiên để bạn đáp ứng các nhu cầu của bạn đọc trong tương lai và từng bước tạo niềm tin cho người đặt câu hỏi.

Bạn đã bao giờ nhận thấy những bạn đọc sử dụng máy tính gần quầy dịch vụ nghe lỏm được những cuộc trò chuyện ở đây? Nếu bạn để ý, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy bạn đọc ở gần đó ngước lên và mỉm cười sau mỗi câu đùa mà ai đó trong bàn quầy vừa nói. Họ có thể nhướng mày lên sau khi bị giật mình vì một câu nhận xét nào đó. Bạn đã bao giờ tự hỏi nếu người đang ngồi gần bàn quầy là người hay bối rối, xấu hổ và không dám hỏi? Liệu có phải trước đây họ đã hỏi một câu đơn giản và đã bị làm mất thể diện bởi một nhân viên thư viện thiếu nhiệt tình?

Làm việc tại một quầy phục vụ sau một khoảng thời gian nào đó sẽ trở nên mệt mỏi. Sự lặp đi lặp lại có thể làm nản lòng gần như tất cả mọi người, và nhiều thư viện đã đặt biển “Quầy thông tin” để chuyển các câu hỏi chỉ hướng sang các quầy khác nhằm giảm bớt gánh nặng. Cho dù điều này có vẻ như giúp giảm sự lặp đi lặp lại tại một số quầy, nhưng gánh nặng chính của sự lặp đi lặp lại được đưa đến cho số ít người hơn và nhiều khả năng sẽ làm họ mệt mỏi nhanh hơn. Rất ít người có thể duy trì sự niềm nở một cách thường xuyên, đặc biệt khi họ phải luôn đối mặt với những câu hỏi tái diễn liên tục hoặc trong một thời gian dài. Mỗi nhân viên có một mức giới hạn về số giờ tối đa phục vụ mà nếu phải làm nhiều hơn số giờ đó thì không thể trông đợi họ duy trì được sự đúng mực, chưa nói đến sự niềm nở. Nếu bạn thường xuyên phải làm việc đến mức giới hạn đó, có thể đã đến lúc bạn phải giảm bớt thời gian tiếp xúc trực tiếp với bạn đọc hoặc nghỉ ngơi một thời gian dài. Nhưng hãy nhớ rằng tất cả bạn đọc đều quan trọng, kể cả những người chỉ hỏi những câu hỏi về lối đi, bởi vì họ chính là lý do vì sao chúng ta phục vụ ở đây.

Gần đây tôi mới đọc mục lời khuyên ‘Quản lý con người trong công việc’ (một bản tin được xuất bản bới McMurry) trong đó có gợi ý rằng mỗi nhân viên thư viện nên đóng vai là một tình nguyện viên để bảo đảm họ sẽ thể hiện sự đánh giá một cách thường xuyên hơn. Điều này có thể dễ dàng áp dụng đối với những người trực quầy phục vụ bạn đọc. Giả sử mỗi nhân viên đóng vai là mẹ của mình, là một Louis Pasteur trong tương lai, hay là bạn đời của giám đốc thư viện. Với họ, câu hỏi họ đưa ra là quan trọng, nếu không thì họ đã chẳng mất thời gian hay nỗ lực để hỏi.

Những cán bộ trực quầy thông tin thường có thể, và thực tế tạo ra ảnh hưởng đến ấn tượng ban đầu của những người đến thư viện. Hãy thử bước vào thư viện của bạn với tư cách là người khách lần đầu đến thư viện. Hãy đến thăm một thư viện quanh khu vực của bạn và xem nhân viên ở đó phản ứng ra sao đối với một số câu hỏi đơn giản của bạn. Nhân viên thư viện nào làm bạn cảm giác như ở nhà mình và tại sao? Ai trong số họ làm bạn bực mình đến nỗi trong tương lai bạn sẽ không hỏi nữa? Tại sao? Hãy sử dụng thông tin này để suy nghĩ lại về điều bạn đọc có cảm giác thế nào khi họ bước chân vào thư viện và có một câu hỏi.

Có lúc tôi vẫn phải cười thầm khi có bạn đọc hỏi “thư viện có nhà vệ sinh không?” Dường như họ không muốn biết nhà vệ sinh ở đâu…mà chỉ đơn giản là họ muốn biết chúng tôi có hay không có nhà vệ sinh. Đã qua rất lâu rồi cái thời thư viện được xây dựng mà không có nhà vệ sinh công cộng, và thời đó, nhiều lúc tôi đã phải hết sức nhã nhặn khi chứng kiến những phản ứng của bạn đọc đối với câu trả lời “không”. Rốt cuộc thì những bạn đọc đó có nhu cầu thực sự, và tôi ở đó để giúp họ giải đáp thắc mắc. Nếu bạn thấy mệt mỏi vì phải nghe câu “nhà vệ sinh ở đâu?” thì có lẽ đã đến lúc bạn phải nghĩ lại về việc lựa chọn nghề nghiệp của mình hoặc cách thức bạn thực hiện công việc đó. Nói một cách đơn giản, hãy ngừng làm việc ở quầy phục vụ công cộng hoặc chấp nhận thách thức làm mới lại sự tương tác với bạn đọc và trở thành một gương mặt tích cực cho thư viện của bạn.

Lorraine J. Pellack là Trưởng phòng, Phòng Khoa học và Công nghệ, Thư viện Parks, Đại học Bang Iowa, Ames, Iowa.
Người dịch Trần Thị Thanh Tâm, Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên


Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Lời Ngỏ

Chào mừng các bạn đến với Blog của Tổ Thư viện - Khoa Văn hoá Thông tin và Xã hội-HuHa.
Mr.Diệp