Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Thư viện tư nhân mang tên Phạm Đức Dương

“Thư viện tại gia”

Ngôi nhà số 2, C4 thuộc khu tập thể Khoa học Xã hội và Nhân văn ở đường Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội, 12 năm qua đã thành địa chỉ quen thuộc của sinh viên và nhiều người yêu sách. Căn phòng rộng 50m2 với hơn 8000 đầu sách, từ tiếng Việt, Nga, Pháp, Anh, Trung, Lào… được xếp và đánh số hệt như một thư viện, đã thu hút hàng trăm lượt sinh viên mỗi ngày đến đọc miễn phí và được người chủ - một vị giáo sư đầu ngành tận tình giảng giải những vấn đề khúc mắc. Nhiều người gọi đây là “thư viện miễn phí”, “thư viện không khóa”, “thư viện sinh viên”… của gia đình Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

Trong cái giá rét giữa tháng 12, tôi tìm đến nhà giáo sư, cổng không khóa, vừa bước chân vào nhà chưa kịp chào thì một ông cụ mái tóc bạc buông ngang vai ôm lấy khuôn mặt quắc thước, hỏi tôi hiền hậu: “Cuối tuần cháu đến nghiên cứu à?”. Tôi đáp: “Dạ cháu là nhà báo ạ!”. “Bắt được sóng” tiếng miền Trung, ông nhanh chóng đổi giọng một cách hài hước: “Nhìn ung trẻ ra ni mềnh tưởng là sinh viên…”.

Vừa dẫn tôi đi giới thiệu các ngăn sách trong thư viện, ông vừa bảo: Khi còn nhỏ, vì nhà nghèo không có sách, ông ra đứng gần cửa nhà thầy nghe các bạn cùng xóm đọc to rồi tự nhẩm học thuộc. Bây giờ tuy cuộc sống sung túc hơn, nhưng vẫn có nhiều sinh viên thiếu sách, tài liệu để nghiên cứu học. Do vậy, năm 1999 ông quyết định mở thư viện tại gia miễn phí cho sinh viên, nhằm giúp họ có điều kiện nghiên cứu và được bổ sung kiến thức toàn diện hơn.

Giáo sư Phạm Đức Dương giới thiệu những tập sách do chính ông viết với bạn đọc.

Căn phòng chia làm ba ngăn thì cả ba đều kê kín sách, tất cả được phân loại, dán số thứ tự, ghi tiêu đề, lưu vào máy vi tính cẩn thận. “Làm như thế sinh viên đến tra sách, cần cuốn gì có thể tìm rất nhanh”, Giáo sư giải thích. Hơn 8000 đầu sách mà trong thư viện đang lưu giữ có nhiều bộ toàn tập, cả sách trong nước và nước ngoài, sách cổ và sách hiện đại như: Tuyển tập trọn bộ Lịch sử tư tưởng phương Đông, Tuyển tập Mác, Tuyển tập Lê-nin, Phan Bội Châu, Tấn trò đời… và nhiều bộ sách Nga, Pháp, Trung Quốc… Trong số đó còn có hàng chục bộ sách cổ rất quý mà ông sưu tầm được qua các chuyến đi công tác ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Lào… Ngoài ra, còn có hơn 400 luận án tiến sĩ, thạc sĩ về nhiều ngành mà ông đã bỏ công sưu tầm, xin, giữ lại sau khi hướng dẫn cho học viên bảo vệ xong trong suốt hơn 20 năm qua. "Sách không có người đọc thì khác nào cô gái đến tuổi cập kê mà chẳng có ai thèm ngó ngàng tới. Tri thức mình không thể giữ làm của riêng được, nó cần được chia sẻ cho mọi người. Lê-nin từng nói: Sách là ánh sáng của tri thức, không có sách thì không có Chủ nghĩa xã hội” - ông nói. Việc mở thư viện xuất phát từ niềm đam mê sách, lòng yêu học trò và vì cái đức, cái tâm của ông chứ không vì mục đích kinh tế hay lợi lộc, cho dù không gian nhà ông đang ở còn chật chội.

Ông kể, năm 1967 khi trở về nước từ Liên Xô sau chuyến đi thực tập, trong khi mọi người mang về nào là ti-vi, đài, bàn là và các vật dụng khác, còn ông lại mang về… 5 tạ sách. Rồi khi sang Cam-pu-chia công tác, người ta tặng 1 yến cá khô Biển Hồ, nhưng ông từ chối vì còn mải lo vận chuyển 107 cuốn kinh Phật. Làm khoa học đã gần 50 năm, nên đã tích trữ được nhiều loại sách và để có số lượng đầu sách như hiện nay, ông phải vừa xin, vừa mua, vừa được tặng từ bạn bè. Sau bao năm miệt mài tích cóp, giờ đây ông đã có trong tay kho sách bao gồm nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật, sách nông-lâm-ngư, sách y học, sách nghiên cứu chuyên sâu, sách ngoại ngữ…

12 năm mở cửa, “thư viện không khóa” của gia đình ông chưa ngày nào vắng bóng sinh viên, học viên đến đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Hằng tuần, căn gác nhỏ ở khu tập thể Khoa học Xã hội và Nhân văn thầy trò tụ hội uống trà đọc sách và còn được Giáo sư hướng dẫn cho nhiều thứ như làm tiểu luận, làm luận văn, phương pháp tiếp cận văn hóa, tổ chức thảo luận về khoa học. Các bạn sinh viên đến đây không cần thẻ thư viện, không mất một khoản phí nào nhưng vẫn được đọc thoải mái, được mượn tài liệu đi phô-tô… Cửa thư viện nhà ông không lúc nào khóa vì bất cứ khi nào cũng có thể có người đến đọc.

Đang nghiên cứu tài liệu tại thư viện, bạn Nguyễn Thu Loan, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Em được các anh chị khóa trước giới thiệu đến thư viện nhà thầy Dương. Ở đây nhiều tài liệu em có thể tra cứu thoải mái và hơn nữa, luôn được thầy Dương giảng giải tận tình những vấn đề chưa hiểu, cũng như các phương pháp học tập, nghiên cứu”.

Tự học để trở thành nhà khoa học

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Dương sinh ngày 21-12-1930, tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), trong một gia đình cố nông nghèo khó, cha tha phương cầu thực, mẹ và anh em phải về bên ngoại đi ở đợ cho nhà giàu để nuôi ông ăn học. Tuổi thơ của ông trải qua bao nỗi vất vả, cơ cực. Ông bảo: “Mất nước thì phải lấy máu rửa, nghèo thì phải lấy tri thức mà rửa”. Bằng nghị lực vươn lên và khát vọng cống hiến, ông đã trở thành một vị Giáo sư đầu ngành của nước nhà. Sau hơn 10 năm tham gia chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ, nước bạn Lào, năm 1959 ông được cử đi học ở trường Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp khóa 4 vào năm 1963. Do thành tích học tập xuất sắc, ông được cử sang Liên Xô học và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 1970. Về nước, nhờ những kiến thức được học ở Liên Xô, ông cùng cộng sự bắt tay ngay vào việc xây dựng Viện Ngôn ngữ học, sau một năm Viện Ngôn ngữ học, thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước ra đời. Năm 1983, Viện Đông Nam Á được thành lập, Giáo sư Phạm Đức Dương trở thành Viện trưởng đầu tiên. Năm 1991, ông được phong hàm Giáo sư. Năm 1997, mong muốn của Giáo sư Dương trở thành hiện thực khi Hội Khoa học Đông Nam Á được thành lập, ông làm Chủ tịch hai khóa đầu tiên.

Đến năm 2000, ở tuổi 70, ông nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn là giảng viên thỉnh giảng của hàng loạt trường đại học từ Bắc chí Nam như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Văn hóa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bình Dương... Ngoài ra, ông vẫn tiếp tục giữ các cương vị chủ chốt trong các tổ chức khoa học, xã hội quan trọng như: Chủ tịch Hội Nghiên cứu Đông Nam Á của Việt Nam (SEARAV); Giám đốc của Viện Nghiên cứu văn hóa phương Đông; Giám đốc của Viện Phát triển Ngôn ngữ (LANGINGS) Hà Nội thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Biên tập của khu vực Đông Nam Á Review; thành viên của Ủy ban UNESCO của Việt Nam… và cho ra hàng loạt giáo trình, chuyên khảo có giá trị như: Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á (2000); Từ văn hóa đến văn hóa học (2002); Văn hóa Đông Nam Á (2001); Bức tranh ngôn ngữ - văn hóa tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á (2007); Việt Nam – Đông Nam Á – Ngôn ngữ và văn hóa (2007)... Bên cạnh việc mở thư viện, Giáo sư Phạm Đức Dương còn ấp ủ xây dựng Dự án thành lập Trường Đại học Đông Nam Á tại tỉnh Hòa Bình và tham gia vào hàng loạt tổ chức văn hóa, tổ chức từ thiện, làm công tác xã hội để góp phần vào việc tăng cường an sinh xã hội, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và khu vực vào việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

Sinh ra và lớn lên trong bão táp cách mạng, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, Giáo sư Phạm Đức Dương đã trở thành một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu văn hóa có tiếng ở Việt Nam. Ở cương vị công tác nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không những vậy, ông đã để lại cho thế hệ trẻ những tri thức bằng việc lập ra “thư viện miễn phí” phục vụ sinh viên, nghiên cứu sinh và đông đảo người yêu đọc sách.

Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/123/123/123/170016/Default.aspx