Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Thư viện, một phần thiết yếu của cuộc sống



Trong bối cảnh phát triển quá nhanh của các phương tiện kỹ thuật số thời đại internet toàn cầu, các nhà lý thuyết “cực đoan” đã vội sớm đưa ra kết luận về sự cáo chung của hệ thống thư viện. Nhưng trên thực tế mọi việc đã không diễn ra như vậy.

Ngay cả tại những quốc gia văn minh, giàu có như Hoa Kỳ với lượng lớn máy tính cá nhân - gia đình dễ dàng truy cập vào các trang web điện tử trực tuyến từ các thư viện, hoặc cho dù chính thư viện quốc hội Hoa Kỳ là nơi chủ xướng cho ý tưởng thư viện điện tử toàn cầu và được nhiều quốc gia hưởng ứng, thì lượng độc giả tới thư viện vẫn gia tăng thông qua lượng thẻ phát hành hằng năm (wikipedia).

Tuy thời đại máy tính cá nhân xách tay và internet không dây không làm cáo chung hệ thống thư viện truyền thống nhưng cũng đã làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn về thư viện theo những thói quen truyền thống lâu nay.

Thay đổi để tồn tại

Từ gốc của “thư viện” theo ngôn ngữ Hy Lạp và Trung Hoa xưa đều có nghĩa là nơi cất giữ và bảo quản sách. Và lâu nay theo cái nhìn thông thường ở Việt Nam, thư viện là nơi cho mượn sách để đọc (tại chỗ, hoặc mang về nhà). Chính từ thực tế đơn giản đó mà nhiều người nghĩ nghề coi thư viện giống như… ông từ coi đền. Và nếu có ai đó tò mò lên trang Google Việt Nam gõ vào cụm từ “vui buồn nghề” rồi nhấn enter, máy sẽ nhả ra kết quả khoảng…hơn một triệu trường hợp vui buồn của mọi nghề, nhưng tìm đỏ con mắt cũng không hề thấy trường hợp vui buồn của… nghề thư viện. Coi bộ nghề thư viện ở xứ ta khá đìu hiu và phẳng lặng... Chưa hết, khi thấy tôi có vẻ quan tâm tìm hiểu xem mọi người nghĩ gì về thư viện, có người bạn của tôi kêu lên đầy ngạc nhiên: “Hả, thời buổi này mà còn có người tới thư viện à? Tưởng ba cái thư viện đó dẹp lâu rồi chứ ?!”.

Thư viện không chết và cũng không bị “dẹp”, mà thư viện chỉ thay đổi để tồn tại, sống và vươn lên phục vụ cho tiện ích của cộng đồng và xã hội. Thư viện ngày nay không thể bị coi như là một “kho sách” thậm chí còn bị coi là “kho ve chai” – vì toàn sách cũ, mà thư viện ngày nay được khẳng định là nguồn tài nguyên và nếu được khai thác đúng mức, nguồn tài nguyên này cung cấp nguồn năng lượng thiết yếu làm tăng trưởng tri thức của độc giả, góp phần thăng tiến xã hội một cách toàn diện. Do vậy, một chuyên gia trong ngành thư viện nhận định: “Trước sự bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, các thủ thư có các kỹ năng tìm kiếm đánh giá nguồn tài nguyên và liên kết các nguồn đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết”. Do vậy, quan niệm làm thủ thư như làm ông từ giữ đền, hưởng nhàn là một quan niệm không còn đất sống.

Nếu độc giả của thư viện truyền thống tới thư viện hỏi mượn cuốn sách A hoặc B, người thủ thư chỉ việc kiểm trong danh mục nếu có sẽ tiến hành thủ tục cho độc giả mượn và như vậy là kết thúc một “quy trình” lặp đi lặp một cách tẻ nhạt. Nhưng với thư viện thời nay, độc giả (giả định) không tới hỏi về cuốn sách A hoặc B mà tới hỏi người thủ thư về một đề tài nào đó, chẳng hạn đơn giản là cách chăm sóc hoa mai để nở đúng dịp Tết, hoặc một trào lưu mới của âm nhạc đương đại hay thuyết “hố đen” gì đó của vũ trụ... thì người thủ thư phải là người hướng dẫn cho độc giả nên đọc những cuốn sách nào hoặc truy cập vào trang web nào để tải thông tin. Như vậy, người thủ thư trong vai trò của người “cho mượn sách” đã chết, thay vào đó, người thủ thư sẽ đóng vai trò người hướng dẫn, người tiếp sức.

Thư viện Việt Nam: Cần nhiều hơn sự kết nối

Dĩ nhiên trong bối cảnh Việt Nam mà đa phần người dân còn sống ở vùng thôn quê, việc sử dụng internet chưa phổ biến thì việc đưa ra hình ảnh người thủ thư hơi “lý tưởng” như trên có vẻ… xa vời. Tuy nhiên trong thế giới văn minh kỹ thuật số ngày nay, hình ảnh người thủ thư - người hướng dẫn khoa học không còn là hình ảnh “lý tưởng” nữa, mà đã là hình ảnh thực tế - đương nhiên phải vậy!

Ở Việt Nam hiện nay có lẽ tốt nhất nên kết hợp thư viện theo lối truyền thống, đồng thời xây dựng thư viện theo xu hướng mà các quốc gia phát triển đã làm. Việc kết nối internet giữa thư viện trung tâm (quốc gia) với các thư viện cơ sở tại các vùng xa xôi, hẻo lánh đồng thời kết hợp thư viện trên các chuyến xe lưu động, cùng với dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện sẽ xóa dần khoảng cách về việc tiếp cận nguồn sách và tri thức giữa các vùng thôn quê và thành thị.

Điều đáng nói ở đây là tất cả các dịch vụ thư viện trên đều hoàn toàn miễn phí, trừ phí bưu điện. Tập trung đầu tư cho các thư viện theo lối “mở” cả về thư viện điện tử lẫn thư viện theo lối “sách trao tay” vẫn là quốc sách của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới theo đuổi mục tiêu “giáo dục suốt đời” cho công dân của mình để hướng tới một xã hội phát triển, giàu tri thức.

Trên các giao lộ thông tin của những ngã đường giáo dục (giáo dục cũng được hiểu như là một cách truyền đạt thông tin) thì thư viện cùng với các trường học được ví như các đền đài tỏa ánh sáng lung linh xuống tâm trí con người trong đời sống thường nhật còn đầy xô bồ, bóng tối và hỗn độn. Như vậy, theo một nghĩa rạch ròi, thư viện còn hơn là một phần thiết yếu của đời sống !!!

Tiến Phong (TMF GROUP): Khi chúng tôi cần tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu hay cần tham khảo những tư liệu nước ngoài, hầu như phải lên mạng tìm do nguồn sách trong thư viện không đáp ứng được. Trong khi đó, theo tôi biết ở một số thư viện nước ngoài, khi độc giả muốn tìm sách mà thư viện không có, thư viện sẽ đặt mua ngay lập tức hay xin bản copy nếu sách đó đã xuất bản quá lâu. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc tìm kiếm trên mạng thường nhanh và tiện lợi hơn nhưng không thể đảm bảo được nguồn và độ chính xác của tài liệu đó. Cho nên, tôi nghĩ thư viện vẫn có vai trò quan trọng nhất định của nó. Tôi nghĩ thư viện Việt Nam cần có những đầu tư và thay đổi tích cực hơn nữa để trở thành nơi mọi người nghĩ đến đầu tiên khi muốn tìm kiếm tài liệu. Ngoài ra, thư viện cần mở rộng đối tượng phục vụ, không chỉ là những sinh viên, giảng viên, những người làm công tác nghiên cứu mà cả những người dân bình thường có nhu cầu đọc sách.

Phạm Thủy Nguyệt (Công ty Thủy Lộc): Tôi từng biết về những người thủ thư thực sự yêu thích công việc của mình và gắn bó cả đời với công việc trong thư viện. Họ không chỉ là người ngồi một chỗ, giữ bộ mặt lạnh lùng, kiểm tra thẻ của bạn đọc, rồi bảo bạn đọc ký tên, cho mượn sách. Hai năm trước, khi theo học cao học tại Đại học La Trobe (Melbourne, Úc), tôi đã rất ấn tượng với thủ thư tại đây. Bà đã hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong việc tìm kiếm tài liệu để thực hiện đề tài. Có những đầu sách tôi cần mà không có, thì chỉ trong vòng một tuần, bà đã báo lại với tôi sách đã được mua về. Ngoài ra, thư viện của Việt Nam cũng nên trang bị hệ thống điện tử hiện đại, vì mạng lưới này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc bạn đọc tìm sách, để họ thực sự chủ động tìm các đầu sách hay, các đầu sách cần thiết cho việc nghiên cứu của mình chỉ bằng cách click chuột vào máy tính

Đưa thư viện về nước

* Nhà nghiên cứu dịch giả Nguyễn Tiến Văn là người đầu tiên chuyển toàn bộ thư viện của mình ở Toronto (Canada) về VN để tặng cho thư viện Khoa học xã hội tại TP.HCM.


Ông Văn chia sẻ với TNTT&GT, tổng số sách khoảng 15 nghìn cuốn, nặng 7 tấn rưỡi đủ thể loại từ nghiên cứu, triết học, dịch thuật, ngoại ngữ… là do ông thu thập, chọn lọc mua và “gầy dựng” cho thư viện cá nhân mình trong vòng 20 năm qua. Đặc biệt có 1.000 cuốn từ điển bách khoa và chuyên ngành ông vẫn dùng tham khảo lâu nay. Việc chuyển nhượng hoàn toàn là tự tâm của ông. Là một dịch giả, một nhà nghiên cứu sống xa tổ quốc từ lâu, nay tuổi cao ông muốn về lại Sài Gòn và mong muốn được tiếp tục cống hiến. Ông chỉ muốn thư viện Khoa học xã hội cho ông một ưu tiên là tạo điều kiện thuận lợi khi ông đến nghiên cứu tìm tư liệu tại đây. Được biết số sách đã chuyển theo đường thủy và tàu đã cập cảng Cát Lái với kinh phí hơn 4.000 USD. Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Hậu, số sách trên hiện nay vẫn đang được phân loại để làm thư mục nghiên cứu vì quá nhiều.

* Giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê

cũng đã chuyển gần hết thư viện cá nhân của ông từ Pháp về VN. Đây cũng là cuộc di chuyển tốn nhiều công sức vì phải phân loại, quá cảnh, khi qua cửa khẩu lên máy bay. Vì lý do đặc biệt là thư viện giáo sư có rất nhiều băng đĩa nhạc, các dụng cụ nghiên cứu nhạc dân tộc như đàn, sáo, cồng chiêng… nên không thể chuyển đường biển vì sợ hư hỏng, ẩm ướt. Toàn bộ thư viện phải “xẻ ra” thành nhiều phần, nhiều đợt để chuyển bởi cước phí vận chuyển máy bay mỗi lần một ít, rất giới hạn và như ông tâm sự, đến nay vẫn phải tiếp tục phân loại tiến hành.

Giáo sư cho biết, đã có 420 kiện hiện vật quý được đưa về căn nhà do Ủy ban nhân dân TP.HCM cấp cho ông và ngôi nhà này sẽ trở thành bảo tàng Trần Văn Khê trong tương lai để các bạn trẻ muốn đến nghiên cứu, tìm các tư liệu, dữ liệu về âm nhạc truyền thống.

Đông Dương

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201017/20100424164125.aspx