Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Nhân ngày Sách và Bản quyền thế giới

TT - “Khi bạn mua một cuốn sách, có nghĩa là bạn đã làm một động tác để bắt đầu tích lũy cho mình thêm một kiến thức trong kho tàng tri thức nhân loại”.
“Khi bạn mua một cuốn sách có bản quyền, có nghĩa là bạn đã góp phần trả thù lao xứng đáng cho sáng tạo và lao động của người viết sách, của dịch giả, của người biên tập...”.

“Khi bạn mua một cuốn sách không có bản quyền, có nghĩa là bạn đã tước đi nguồn thu nhập chính đáng của một dây chuyền những người lao động và sáng tạo”.

“Khi bạn mua một cuốn sách không có bản quyền, còn có nghĩa là bạn đã tiếp tay cho một hành động ăn cắp. Hơn thế nữa, khi bạn đã hình thành thói quen đi mua sách không có bản quyền vì ham rẻ, bạn có bao giờ ý thức được mình đang góp phần giết chết sức sáng tạo của một số tinh hoa trong xã hội, đầu độc môi trường đầu tư nước ngoài tại nước bạn? Vì bạn có biết các tập đoàn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, luôn luôn dị ứng đến mức nào với những môi trường kinh doanh mà bản quyền - dù trong lĩnh vực nào - luôn bị xâm phạm...?”.

Những lời tâm huyết nhân Ngày sách và bản quyền thế giới 23-4 trên đây không phải của một nhà văn, một chủ nhà sách hay một chuyên gia bản quyền nào, mà là của ông Mike Honnold - tham tán thương mại sứ quán Mỹ - chia sẻ với bạn đọc và những người làm sách tại tọa đàm “Nâng cao nhận thức về sách có bản quyền tại VN” được Thái Hà Books tổ chức hôm 22-4.

Cũng tâm huyết không kém, ông Nguyễn Kiểm - cục trưởng Cục Xuất bản - chia sẻ: “Khi mua một cuốn sách, có bao giờ bạn nghĩ chúng ta đã từng, ít nhất hai lần trong lịch sử dân tộc, bị ngoại xâm không những giày xéo đất nước mà còn gom tất cả thư tịch: sách vở, chiếu, sắc phong, hoành phi câu đối, gia phả tổ tiên... tất cả những gì có chữ... đốt hết, tiêu hủy hết. Không chỉ để phá hủy hiện tại, chúng muốn cắt đứt chúng ta hoàn toàn với quá khứ, không còn một bằng chứng nào để minh chứng “cái này là thuộc về người VN”. Một khi “bản quyền dân tộc” bị tiêu hủy, bản quyền của từng tác giả chắc chắn cũng sẽ không còn. Vậy sao hôm nay chúng ta thản nhiên đến thế khi sà vào một tấm vải bạt ven đường và mua một cuốn sách mà chúng ta biết chắc là sách lậu chỉ vì nó rẻ hơn?”.

Có quá nhiều câu hỏi đặt ra trong ngày “Tết sách”. Nhưng liệu mấy người trong chúng ta tự đặt những câu hỏi ấy cho mình, khi chỉ đơn giản là đi mua một cuốn sách, mỗi ngày?

THU HÀ
(Theo tuoitre.vn)